2022. Có Ai Còn Nhớ.

2022. Một năm nhìn lại. (Hình minh họa: Kazuhiro Nogi/AFP via Getty Images)

2022 bắt đầu với Omicron, một loại vi khuẩn phát ra từ Nam Phi và tiếp tục lần qua các châu lục khác.  

Tết dương lịch ngắn ngủi chỉ một ngày mà lại còn ngắn hơn khi mọi thứ đều còn phải cẩn thận, khép kín

Chính phủ Mỹ kêu gọi dân chúng nên chích ngừa, hoặc chich thêm mũi thứ ba. Trẻ em thì vẫn chưa có thuốc chích ngừa Covid.

Không chỉ có dịch cao, vật giá tiếp tục leo thang. Từ một bao gạo ở chợ người Á mình đến một phần ăn sáng ở chợ Mỹ, tất cả đều leo thang. Chỉ một ít nơi, thay vì tăng giá, người ta giảm số lượng.

Trong cái xôn xao của cuộc sống thì được tin Thiền sư Nhất Hạnh qua đời ở Huế và Nga đang hùng hổ khoe trương thế lực để đánh chiếm Ukraine. Nước Mỹ và khối Nato cố gắng thuyết phục Nga đừng đi tới chiến tranh bởi họ tin rằng Ukraine không thể nào chống đỡ nỗi như trận chiến Nga chiếm lãnh bán đảo Crimean năm 2014.  

Nửa tháng Hai, Cali được bỏ lệnh đeo khẩu trang. Người ta mừng như trẻ em được quà. Các nhà hàng, quán bar hoan nghênh đề quyết này. Thống đốc Cali đọc diễn văn khuyên dân chúng phải biết cách sống chung với Covid.

Cùng thời gian đó, Nga bắt Brittney Griner, một cầu thủ Olympic basketball, khi cô này từ New York bay vào Moscow để tham gia vào đội banh ở đây.

Ngày 24 tháng Hai, Nga đánh Ukraine, trận đánh lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau khi đệ nhị thế chiến. Hàng triệu người tị nạn vượt qua biên giới để tới Ba Lan và các nước lân cận.

Ngày 24 Tháng Hai, Nga đánh Ukraine. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

Hai năm đại dịch làm tê liệt mọi sản xuất. Nhiều hãng xưởng đóng cửa và khi mở lại thì thiếu nhân công trầm trọng. Dân chúng vẫn tiếp tục những tiêu dùng cần thiết trong khi người đi làm thì ít vì một lý do này hay lý do khác. Và như thế, việc gì đến phải đến, nước Mỹ và cả phương Tây đối diện với sự khan hiếm hàng hoá gần như khủng hoảng.

Người Mỹ có câu, when it rains, it pours. Khi trời mưa, trời lụt. Trung Quốc là nước sản xuất nhiều mặt hàng gia dụng nhưng lại áp dụng chính sách zero-Covid, đóng cửa gần như toàn diện, vì vậy hàng hoá đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Tháng Hai, tháng của tình yêu, Valentine thiếu hoa. Người ta bảo với nhau, thiếu hoa thì mình cứ bù vào bằng những cái hugs. Có cành hoa nào biểu lộ tình yêu hơn những vòng tay ôm nhau?  

Tháng Ba, tin tức đưa ra, tampon, món đồ mà các phụ nữ trung niên trở xuống phải dùng vào mỗi tháng cũng bị thiếu hụt.  

Hãng làm tương ớt Huy Fong mà chủ nhân là người Việt mình không có đủ ớt để làm tương. Nhiều bà nội trợ ta đã mua năm bảy chai tương ớt để dùng lần sau này. Và tương ớt tăng giá. Mình tự làm tăng giá cho mình.

Tháng Tư, tin tức đưa ra, lạm phát quốc gia lên đến 8.5%, cao nhất trong 40 năm qua do từ giá xăng, giá thực phẩm và giá thuê nhà tăng vụt.  

Tháng Năm, sửa cho em bé không có đủ để bán ở các cửa tiệm buôn lớn. Các bà mẹ trẻ phải kêu gọi cộng đồng mạng chia xẻ giùm. Chính phủ đặt mua thêm sữa ở các nước khác. Mặt khác, chính phủ đòi hỏi phải tăng gia số lượng sản xuất sữa trong nước.

Một trong bốn hãng sản xuất sữa em bé bị chính phủ cho tạm đóng cửa vì vi phạm luật vệ sinh. Một hãng khác cũng tạm đóng cửa vì bị lụt làm hư hại máy móc. Ngày xưa, các cụ có nói, nghèo mà còn gặp eo. Nước Mỹ không nghèo nhưng năm nay rất nhiều eo.

Chỉ vài tháng đầu của năm 2022, lạm phát quốc gia lên đến 7%, cao nhất trong 40 năm qua. Giá xăng, giá thực phẩm và giá thuê nhà tăng vụt.

Trong tất cả những khang hiếm thì sự khang hiếm của chip (semiconductor) được nói tới rất nhiều. Trong nước chỉ sản xuất khoảng 12% số lượng tiêu thụ, còn lại, phụ thuộc vào các nước khác như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan hay Trung Quốc.  Hai năm đại dịch đóng cửa, chip nằm im không rục rịch.

Rồi thì thiếu chip trầm trọng, bây giờ tự nhiên ai cũng nghe đến chip. Xe không đủ bán vì thiếu chip. Điện thoại, computer cần chip. Trên cao có máy bay, dưới bếp có nồi nấu cơm… tất cả đều cần chip.  

Không biết có phải vì nhàn cư vi bất thiện hay không, những nạn cướp hội đồng vào ban ngày bắt đầu lên cao. Các cửa tiệm cao cấp như nữ trang, hàng hiệu ở các khu thương mại sang trọng hay bị kẻ xấu tấn công một cách thản nhiên. Họ còn tấn công ngay cả xe lửa chở hàng hoá cho các cơ sở thương mại. Cũng may, những vụ cướp bóc nầy dần rồi cũng bị đưa ra pháp luật

Nạn bạo động bằng súng mà báo chí người Mỹ gọi là mass shooting thường xảy ra từ hơn cả thập niên nay. Riêng 2022 thì đặc biệt lên rất cao.

New York, Chicago, Cali, Texax… những con số bị thương và tử vong vì mass shooting khiến Quốc Hội hai bên đã phải ngồi lại bàn về gun control/kiểm soát súng đạn. Các bậc cha mẹ và giới trẻ đã đứng lên biểu tình yêu cầu phản đối bạo lực.

Khi bắt đầu vào mùa hè, các hãng máy bay phải bãi bỏ hàng ngàn chuyến bay do thiên tai bão lụt và thiếu thốn nhân viên. Đi nghỉ hè khổ sở như đi di tản.

Và trong khi Covid vẫn còn là một báo động, đời sống xã hội vẫn còn chao đảo, thì dịch Monkeypox bắt đầu xuất hiện ở đây. Chính phủ lại một lần nữa lo tìm kiếm vaccine để trị. May là, dịch này rồi cũng tạm êm dịu lại.

Tháng Sáu, Tối Cao Pháp Viện quyết định rằng, quyền phá thai, vốn thực hành đã 50 năm, phải thuộc về Tiểu Bang quyết định. Hiện giờ, chúng ta có 26 tiểu bang cấm luật phá thai.

Tháng Bảy, ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và là nhà khoa học gia không gian, qua đời ở tuổi 92. Giáo sư Tô Văn Lai, đồng sáng lập Trung Tâm Thúy Nga và chương trình ca nhạc nổi tiếng hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night,” qua đời ở tuổi 85. Hai sự ra đi này đã để lại rất nhiều thương tiếc trong cộng đồng người Việt.

Cựu Thử Tưởng Nhật Bản, ông Abe, bị ám sát khi đang vận động tranh cứ cho một ứng cử viên trong đảng mình. Ông là một vị Thủ Tướng phục vụ lâu dài và rất được thế giới quý trọng.

Cựu thủ tướng Nhật, ông Abe, bị ám sát. (Hình minh họa: Yuichi Yamazaki/Getty Images)

Tháng Tám, ông Mikhail Gorbachev, người lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Sô Viết qua đời. Đám tang ông đã được rất nhiều dân chúng Nga và các lãnh sự quán của các nước đến tham dự. Đặc biệt, các nước phương Tây, như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Úc đều tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi ông là người đã thay đổi lịch sử.

Cùng tháng Tám, Al-Zawahiri, người cầm quyền đúng hàng thứ hai của Al-Quadea đã bị US drone hạ chết ở A Phú Hàn. Ông ta là một trong những người đã chủ mưu vụ 9/11 năm 2001. Sau 21 năm âm thầm truy tìm, cuối cùng thì công bằng cũng đã trả được phần nào cho các gia đình nạn nhân của 9/11.

Tháng Chín, nữ hoàng Elizabeth của nước Anh qua đời ở tuổi 96. Có gần 100 vị lãnh đạo quốc gia và hoàng gia các nước đã đến dự đám tang bà. Hàng trăm ngàn người xếp hàng hai bên đường phố để đưa bà đi tới nơi an nghỉ cuối cùng. Và hàng triệu người đã theo dõi đám tang của Nữ Hoàng qua TV. Hai con chó và con ngựa của bà cũng đứng chờ đưa bà đi qua.  

Tháng Chín cũng là tháng có nhiều thiên tai do khí hậu thay đổi như hỏa hoạn, hạn hán và bảo lụt. Miền đông mưa bão, gió lốc; miền Tây sông hồ thiếu nước và hỏa hoạn.

Tháng Mười, nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế, qua đời ở tuổi 90. Ông là một nhà thơ lớn. Thơ ông có phong vị lạ với không gian tình yêu ở Paris tăng thêm nét lãng mạn.

Các cruise ship không còn đòi hỏi phải thử Covid trước khi lên thuyền. Ai nấy cũng thở dài nhẹ nhõm về việc này. Không gì khổ bằng khi tất cả đã chuẩn bị cho chuyến vacation thì bỗng nhiên phải bỏ hết chỉ vì cái test dương tính của Covid vào giờ chót. Tôi cũng đã từng đứng tim vì chuyện này.

Khi mà Covid đã giảm xuống thì bệnh về đường hô hấp, gọi chung là RSV, ở trẻ em lại tăng cao. Bệnh viện nhi đồng báo động tình trạng không đủ giường cứ y như thời kỳ Covid trước đây. Nhiều bé chỉ mới vừa đủ một tháng tuổi cũng đã nhiễm bệnh và phải dùng máy trợ hô hấp nhìn rất thương tâm.

Tháng Mười Một, sổ xố jackpot lên đến trên 2 tỷ. Đêm thứ Hai số xố, máy có vấn để trục trặc, phải đến sáng thứ Ba mới ra số được. Một người duy nhất ở quận Los Angeles đã trúng. Và sau khi cơn sốt số xố đi qua, cơn sốt bầu cử kéo dài cả ngày hôm đó. Ai thắng, ai thua? Đỏ hay xanh? Ai nắm quyền ở Quốc Hội? Cả ngày, các đài truyền thông đưa ra con số mới. Nhưng mãi đến mấy ngày sau mới biết được ai được nắm quyền ở Quốc Hội.

Fifa World Cup lần thứ 22 tổ chức ở Qtar. Cộng đông người Việt mình theo dõi ở nhà, ở quán cà phê, và ở trên các đài TV. Thật là vui. Có lẽ sau khi mùa bầu cử, thì đá banh là điều hay nhất để ngồi chung với nhau.

Vừa qua tháng Mười Hai, Times magazine đã bầu chọn tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, là Person of the Year. Times cũng vinh danh tinh thần của đất nước này đã cùng nhau chiến đấu để bảo vệ tổ quốc mình với cái tên The Spirit of Ukraine. Ông Zelensky đã đến thăm tòa Bạch Ốc và trình bày ở Quốc Hội vào cùng tháng.

Cô Brittney Griner, một cầu thủ đã bị Ngã bắt giữ hôm tháng Hai, được thả về qua việc trao đổi tù nhân với Mỹ. Cô về kịp ăn mừng lễ Giáng Sinh với gia đình.

Tòa án liên bang Hoa Kỳ phán xử kẻ không tặc chuyến bay Pan Am 103 khi đang từ Scotland bay về New York năm 1988.  Vụ không tặc này đã giết chết 270 người mà trong số đó là 39 sinh viên của trường đại học Syracuse. Hiện nay, ở nghĩa trang quốc gia Arlington, có một đài kỷ niệm vinh danh những nạn nhân Pan Am 103. Đài được xây lên bằng 270 khối đá từ Scotland đưa qua.

2022 đã đi qua. Cuộc chiến Ukrane vẫn còn tiếp tục và dịch bện vẫn còn daì dẳng. Liệu giá cả chi dùng có tăng lên nữa hay số lượng công việc làm có bị thất thoát giảm xuống?  

Ước mong sao năm 2023 sẽ được hoàn toàn khôi phục lại như trước thời đại dịch. Cũng ước mong sao, hòa bình sẽ trở lại trên những đất nước còn đang có chiến tranh.  

Bài hát Lá Thư Trần Thế của nhạc sĩ Hoài Linh đã viết cho chiến tranh Việt Nam bây giờ vẫn còn là một lời cầu nguyện chung, “Con thiết tha xin,
An vui cho người đầu tuyến
Trẻ thơ yên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền”

Mong thay cánh chim Hoà Bình bay trên nền trời xanh.

Posted in Tuyet Van | Tagged , | Leave a comment

Chụp Hình

Photo credit: TORU YAMANAKA/AFP via Getty Images

Khi năm gần hết thì tôi cũng vừa học xong ba khóa chụp hình của hội PSCVN (Vietnamese Photographic Society of California).  

Bây giờ thì tôi đã quen nhiều với cái máy và biết một ít kiến thức căn bản để chụp một tấm hình. Photoshop cũng nhớ được vài kỹ thuật chỉnh sửa, nhưng sửa đẹp hay không chắc phải còn thực tập và tiếp tục học thêm.

Ngay khi còn ngồi ghế nhà trường trung học tôi đã mơ ước một ngày mình được học bộ môn nghệ thuật này. Tôi thường cắt những tấm ảnh về phong cảnh thiên nhiên xa xôi, những núi rừng hùng vĩ hay sông rạch êm đềm và mơ ước một ngày mình cũng sẽ đi tới những nơi này với chiếc máy ảnh trong tay.

Giấc mơ đó đã trở thành hiện thực khi tôi ghi danh học lớp chụp hình đầu năm nay. Khóa đầu tiên là thời gian tôi học làm quen với chiếc máy hình. Tôi cầm nó lên với một sự e ngại, để nó xuống nhẹ nhàng chỉ sợ là nó rớt xuống hoặc vì một lý do nào đó cái máy hình cứ đứng im không chịu chụp. Máy chưa dùng tôi đã lo hỏi có chỗ nào sửa máy không.

Hình như có bài hát nào đó có câu “đời không như là mơ”. Thực vậy, khi qua đến khóa thứ hai là khóa tôi bỏ thì giờ để học Photoshop thì ước mơ ngày xưa trở nên mỏi mệt. Tôi bắt đầu nghi ngờ mơ ước của mình. Có thật là tôi thích học chụp hình không? Có lẽ tôi chỉ thích nhìn hình đẹp thì đúng hơn.  

Một lần, tôi bỏ nguyên hai ngày không nấu nướng gì cả chỉ để ôn lại những bài học qua kênh Youtube của hội. Người xưa thường nói, học phải đi đôi với hành, thật là đúng. Qua lần dùi mài kinh sử đó tôi bắt đầu thấy tự tin với việc học của mình hơn. Rồi sẽ quên đấy, nhưng ôn lại lần sau thì dễ hiểu hơn.

Vậy là tôi tiếp tục theo học khóa thứ ba. Khoá này advanced hơn nhiều với các thể loại chụp hình khác nhau. Nhưng tôi quyết định học theo với khả năng của mình. Học chưa hết thì mai mốt học lại. Người xưa chỉ bắt đầu bằng một bước chân mà cũng đã đi tới cả ngàn dặm, còn tôi bây giờ thì đã có hội hướng dẫn lẽ nào không được hai ba trăm dặm sao? Nghĩ vui như vậy để tự khuyến khích mình.

Một trong những cái vui của chụp hình là thưởng thức những tấm ảnh đẹp của các bạn hình đưa lên và đặc biệt là những trao đối với nhau.

Có người hỏi ý kiến về loại máy hay ống kính. Có người xin đóng góp ý kiến cho tấm hình mình chụp. Đa số ai cũng tỏ lòng tri ân đã được chia xẻ một tấm ảnh đẹp ở một vùng nơi nào đó.

Một lần, tôi đọc facebook thấy một cô gọi anh nhiếp ảnh là NAG. Lúc đầu,tôi không rõ NAG là gì nhưng cũng hơi buồn cười. NAG, theo tiếng Anh, là một động từ, có nghĩa là kèo nài. Sau vài lần, tôi nghiệm ra NAG chính là chữ viết tắt cho nhiếp ảnh gia. Kể ra , đọc thấy cũng tiện và hay. Và cũng vì vậy, tôi thỉnh thoảng dùng từ NAG thay cho từ nhiếp ảnh gia.

Cũng như với thi ca, mùa thu được yêu chuộng đặc biệt trong nhiếp ảnh. Khi bắt đầu vào nửa tháng Chín, nhiều người hoặc nhóm khác nhau tổ chức đi chụp hình mùa thu. Người ta gọi là đi săn ảnh.  

Ở Cali thì có Julian, Bishop. Xa hơn nữa, có Oregon, Colorado. Hình ảnh mùa thu với suối nước và lá vàng đã được đưa lên liên tục trên các trang nghệ thuật nhiếp ảnh khác nhau. Tôi có cảm giác như đây là một mùa lễ hội đối với các NAG. Cây cỏ trở mình trong mùa xuân. NAG trở mình trong mùa thu.

Tôi đặc biệt yêu thích những tấm ảnh có thêm chú thích về không gian, thời gian, hay cảm nhận của tác giả về tấm hình của mình. Và sẽ càng hay hơn nữa nếu họ thêm chú thích về chiếc máy và điều kiện (exposure triangle) đã dùng để chụp lên tấm hình đó. Người coi sẽ có thêm khái niệm về kỹ thuật chụp hình.

Những nhiếp ảnh gia người Việt mình thường có những chú thích hay đặt tên cho tấm hình bằng những cái tên rất thơ mộng. Có tấm với tựa đề Lối Thu, Những Nẻo Đường Thu, Hồ Thu, Sắc Thu, vân vân. Chỉ là, tôi không biết được lối đó, đường đó hay hồ đó ở đâu. Hình đẹp quá, mình cũng muốn biết địa điểm rõ ràng để tới thưởng ngoạn sắc thu.

Một anh người Mỹ thì chỉ ghi tên cái máy ảnh và len đã dùng để chụp tấm hình con rùa của mình. Hình rất đẹp. Màu sắc và đường vân trên mai rùa rõ ràng. Anh ghi, Canon M6 mark ll lens canon 18-150mm. Một viewer khác chọc, đây là con rùa, không phải Canon M6 mark ll lens canon 18-150mm đâu anh bạn ơi. Hai cái đó nhìn cũng hơi giông giống thật đó. Nhiều người đã trả lời lại bằng hình emoji miệng cười toe toét.

Họa hoằn, thì cũng có người chia xe về kỷ niệm hay để lại triết lý riêng về cuộc sống qua tấm hình của mình. Khi đọc những dòng chữ đó, tôi có cảm tưởng như không phải đang coi một tấm hình mà là đến hai tấm hình đẹp. Đôi khi, tôi cũng có để lại comment cảm ơn người chụp.

Một lần, thấy tấm hình của anh bạn chụp ở cổng chùa khá đẹp. Chùa mới tân trang, cổng cao và rộng rãi với hình chụp từ phía sau anh đang đi vào. Chắc bạn tôi muốn diễn tả là anh đang đi lễ Phật. Tôi viết comment vào bằng hai câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Cổng chùa tuy rộng mở. Tà đạo khó nương thân. Tôi cẩn thận để tên tác giả vào.  

Bạn tôi chưa kịp trả lời thì đã có vài người khác phản hồi lại. Có người không đồng ý với hai câu thơ bởi nghĩ rằng cổng chùa không bao giờ khép kín với ai. Có người hỏi sao tôi lại vội vàng tin rằng tà đạo khó nương thân. Trời, vui miệng một chút mà thành ra tội vạ. Từ đó, tôi rất ít khi dám lên tiếng comment cho tấm hình nào ngoại trừ mấy cái emoji vui vui của facebook.

Khóa học thứ ba vừa chấm dứt xong tôi đã nghĩ ngay đến việc ôn lại bài cũ và chắc là sẽ ghi tên để học lại khoá một. Bạn tôi ngạc nhiên hỏi, ủa, sao lạ vậy, học rồi mà sao còn phải học lại nữa. Rồi nhìn tôi, cô cười mỉm, bộ học để làm NAG hả. Có gì đâu, học có bao giờ hết được đâu. Học chụp hình thấy cũng vui.

Posted in Tuyet Van | Tagged | Leave a comment

Một Chuyến Đi Chơi

Creek Street, Ketchikan

Có lẽ không lần vacation nào nhiêu khê như lần đi Alaska vừa rồi.

Cuối năm ngoái, khi thấy đại dịch tương đối giảm và giá du thuyền lại rẻ nên chúng tôi đặt mua vé đi Alaska qua ngả Canada.  

Có nhiều cảng để lựa chọn như cảng Long Beach rất gần nhà hoặc cảng San Francisco hay xa thêm chút nữa là Seattle. Tôi lựa cảng Vancouver ở Canada để giảm bớt ngày giờ đi lại trên biển.  

Lúc đặt vé đi Alaska, nước Mỹ còn kiểm soát Covid cho những ai từ nước ngoài về Mỹ. Nếu bị Covid, người đó phải cách ly và chờ test âm tính rồi mới được vào.

Biết vậy, tôi lên chương trình khi khởi sự thì đi ở Vancouver nhưng khi về thì về ở Fairbank, một thành phố của Alaska. Vì là về từ một phi trường nội địa, chúng tôi khỏi bị test Covid nữa, tránh được chuyện lo bị dương tính. Đi chơi nhưng cũng phải tính toán như đi trận.

Trước biến cố 9/11, đi Canada như đi một tiểu bang khác ở Mỹ. Chỉ cần một thẻ lái xe là xong. Sau biến có 9/11 thì phải có passport. Nhưng đến khi đại dịch thì cả một trời giấy tờ sức khỏe.

Tháng Sáu, nước Mỹ bỏ luật kiểm tra Covid cho người vào lại Mỹ. Điều đó, làm người ta mạnh dạn đi du lịch nhiều hơn. Canada thì không. Chính phủ họ vẫn đòi hỏi người dân phải điền vào đơn gọi là ArriveCan để khai báo tình trạng sức khỏe, chủng ngừa, và thời hạn ở lại Canada. Đơn này chỉ có thể điền trước 72 tiếng đồng hồ.

Khi đến ngày giờ, tôi điền đơn ArriveCan, upload passport và ghi chú tất cả bốn mũi chủng ngừa.

Chúng tôi rời phi trường Los vào sáng sớm và đến Vancouver lúc 10 giờ. Cùng là một múi giờ nên cũng thuận tiện. Dù là thành phố lớn, phi trường Vancouver tương đối vắng nhưng vậy cũng dễ chịu cho khách từ phương xa tới. Một giờ trưa, chiếc xe bus của du thuyền đưa chúng tôi ra bến cảng.

Ngày đầu tiên, khi chiếc du thuyền vẫn còn đang bồng bềnh trên biển thì tôi nhận được email từ bộ y tế Canada. Họ cho biết tôi đã được tình cờ được chọn/randomly-selected để thử Covid lại. Khi thử xong, phải cho họ biết kết quả. Nếu dương tính cần phải cách ly. Cách ly xong, phải đi thử lại và cho họ biết.

Đọc xong email tôi gần như bật ngửa. Ông nghĩ gì vậy? Tôi chỉ đến Vancouver vài tiếng đồng hồ rồi đi mà ông lại bảo tôi hôm sau đi thử Covid? Tôi đã đi tới Alaska rồi. Dù nghĩ như vậy nhưng tôi cũng lo. Lo là vì tôi biết Canada rất nghiêm khắc. Tháng Mười tôi lại có một chuyến đi khác cũng Canada. Lỡ có chuyện gì, họ không cho tôi nhập cảnh thì chết.

Và như vậy, chỉ một cái email, chỉ mới ngày đầu chuyến đi chơi, tôi đã có phần không vui. Chị tôi nói, chuyện đâu còn có đó. Để về đến nhà rồi gọi họ.

Du thuyền chỉ cho mỗi người 150 phút dùng internet. Tôi để dành dùng vào việc khẩn cấp nếu cần phải liên lạc với con. Mỗi khi tàu ra khơi thì internet là phương tiện duy nhất để liên lạc nhau. Tôi không dám xài internet lên mạng của Canada để tìm kiếm thêm về chuyện email mình nhận được.

Hai ngày sau, khi vừa cặp bến Ketchikan là bến cảng đầu tiên trên đường đi, tôi nhận điện thoại từ bộ y tế Canada. Nói là bộ y tế chứ đó chỉ là một cuộc gọi bằng người máy. Người máy nhắc nhở tôi đi thử lại Covid bởi nếu không thi hành đúng, Canada sẽ phạt tiền. Vì đó chỉ là điện thoại qua người máy tôi không làm sao giải thích được là tôi chỉ đến Canada có vài tiếng đồng hồ.

Giận quá. Cái email của họ làm vacation của tôi ít nhiều mất vui. Nhưng thôi giữa biển cả bao la, như lời chị tôi nói, chờ về nhà rồi tính.

Glacier

Ngày hôm sau, tàu dừng ở cảng Juneau là thủ phủ của Alaska. Thành phố nầy đông dân và nhộn nhịp với khách du lịch cập bến. Tôi gọi điện thoại về thăm con thì được chúng cho biết tôi có giấy gọi đi làm Jury Duty.    

Jury Duty là bổn phận của người công dân khi được tòa án gọi lên để làm nhiệm vụ phán xét cho một vụ án, hình sự hoặc dân sự . Tôi cũng đã từng được gọi lên mấy lần. Lúc được chọn vào làm hội đồng phán xét (juror) tôi luôn xin được miễn vì tiếng Anh mình có giỏi nhưng không đủ giỏi để làm nhiệm vụ này.

Điều trước hết, trong vòng 10 ngày mình phải báo cáo cho tòa biết là mình đã được nhận giấy mời. Con đã làm cho má rồi, con trai tôi nói, nhưng sao system nói ngày sinh của má không đúng. Lạ, tôi chỉ có một ngày sinh, không đúng là sao.  

Hôm sau, trong khi tàu vẫn tiếp tục ngoài khơi, tôi vội vàng lên trang mạng tòa án quận Cam để điền đơn. Đúng như con nói, sau khi ghi vào sổ ID mà tòa đã chỉ định cho tôi, hệ thống computer không tìm ngày sinh tôi được. Gọi qua điện thoại cũng không xong vì hệ thống điện thoại thì cũng là một hệ thống đó thôi.

Đi chơi mà đầu óc cứ nghĩ đến vụ Canada rồi vụ tòa án thật là mất vui. Tôi trù tính đến khi về chắc là phải đích thân lên tòa ở thành phố Fullerton rồi trình bày sự việc, mặt đối mặt.    

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng vẫn lo. Hai hôm sau, trong lúc rảnh rỗi, tôi lên mạng tìm kiếm thêm có cách gì để liên lạc với văn phòng họ không. Thánh kinh đã nói, kiếm thì sẽ ra. Tôi thấy được một email để người dân liên lạc vào. Tôi vội vàng viết lên hoàn cảnh của mình. Đang đi chơi xa chưa về nhà được, chỗ đi chơi là là nơi hẻo lánh, khó có đường dây điện thoại hay internet. Tôi chỉ có một ngày sinh mà hệ thống điện toán của tòa không chấp nhận. Vậy thì làm sao tôi báo cáo để nhận công việc làm giám sát đây.

Lần này thì tôi yên tâm hơn. Ít nhất mình cũng có cái email làm bằng chứng tôi đã liên lạc với hội đồng tòa án. Bằng chứng của mình thấy đau khổ quá chứ đâu có được như ông Nguyễn dinh Toàn “xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”.

Hai ngày sau tôi gọi lại tòa khi tuyến đi của tôi chuyển qua bằng tàu lửa. Lần này, tôi không gọi như người được lựa chọn làm giám sát. Tôi khỏi cần phải đánh vào sổ ID và như vậy hệ thống điện toán không hỏi ngày sinh của tôi.

Thật ngạc nhiên và may mắn, bên kia đầu giây là giọng nói một phụ nữ chứ không phải là giọng nói computer. Sau khi nghe tôi giải thích, cô cho biết họ đã ghi sai năm sinh của tôi và đó là lý do tôi không thể nào làm báo cáo được. Cô đã sửa lại và tất cả đã xong đâu vào đó rồi.

Hú hồn. Hai chuyện. Giải quyết được một. Vậy là may mắn rồi. Còn bốn ngày nữa về nhưng là ngày thứ Bảy. Vậy phải đợi đến thứ Hai mới gọi Canada được. Đang ngồi tính toán thì tôi nhận được email từ du thuyền gửi tới.

Đây không phải là email quảng cáo nên tôi mở ra liền. Email nhắn: chuyến bay của bà với số ID xxxxxxx sẽ bị thay đổi vì các hãng máy bay đang cancel nhiều trong đó có hãng máy bay bà đi. Họ khuyên chúng tôi nên để ý những email mới với lịch trình bay mới .

Chờ đến nguyên một ngày tôi vẫn chưa thấy email mới nào hết. Gọi vào tổng đài thì cứ phải chờ. Nghe nói tổng đài cũng thiếu người trực. Tới giờ tour guide dẫn đi thì đành phải cúp điện thoại để đi theo tour. Cứ như vậy cho đến ngày hôm sau.

Tôi cũng đã từng bị máy bay cancel rồi nên biết nó cực lắm. Không ai muốn bị kẹt ở lại nhất là ở lại Alaska. Tới thăm chơi thì được nhưng kẹt ở lại thì không có cái gì tiêu khiển cho qua ngày. Giá cả ở đây lại mắc. Một gói mì Đại Hàn giá hai đồng rưỡi. Bó rau rẻ tiền nhất trong siêu thị giá cũng ba đồng. Chỉ có hotdog của Costco là vẫn còn nguyên giá một đồng rưỡi.

Còn hai ngày nữa về rồi mà mình vẫn chưa có vé sao? Tôi lo lắng tâm sự với những người đi trong nhóm. Một cô cho tôi số điện thoại agent của cô để liên lạc. Cô nói anh này nhanh nhẩu, thế nào cũng giúp được tôi. Thật vậy, khi gọi, anh agent bốc máy và hứa sẽ tìm giúp tôi chuyến bay mới. Anh sẽ gặp boss của anh để nói chuyện này. Anh hỏi tôi gửi lại cái email đó để anh coi và sẽ gọi lại tôi trong vòng 30 phút.

30 phút chưa tới anh đã gọi lại. Vân, Vân, Vân you must be very happy to hear this, anh bảo tôi. Cái email báo tin về máy bay thay đổi là cho chuyến đi vào tháng Mười bên miền đông nước Mỹ chứ không phải chuyến này. Trên email chỉ ghi số ID, không ghi tên chuyến đi, thành ra tôi cứ nghĩ họ đang nói về chuyến Alaska hiện tại của tôi.

Khỏi cần phải hỏi, tôi mừng quá, cảm ơn anh rối rít. Thật sự, ID nào cũng là con số. Phải chi trong email có thêm tên của chuyến đi cho thêm phần rõ rằng thì tôi đâu có phải mấy hôm nay lo như thế này. Thôi, cũng là một kinh nghiệm tốt cho bản thân.

Chuyến đi Alaska dài mười hai ngày thì đã có ba vấn để làm tôi thật bận tâm nếu không nói là lo lắng. Từ chuyện Canada lựa tôi ra để thử lại Covid, chuyện đi làm giám sát cho phiên tòa, đến chuyện vé máy bay bị thay đổi, làm tôi nhức cả đầu. Những lúc đứng coi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà lòng không yên. Tôi nhớ tới bài hát Ai Bảo Chăn Trâu Là Khổ. Tôi không tin chăn trâu sướng nhưng cái sướng ở đây là sự vô tư không lo nghĩ.  

Có bị lo lắng rồi mới thấy. Vật chất chỉ là tạm bợ. Thiếu đi một chút rồi cũng qua nhưng với bình an trong tâm hồn thì cần phải trọn vẹn.

Dù sao, cũng là những kinh nghiệm tốt cho bản thân bởi tháng Mười này tôi còn đi một chuyến đi nữa.

Tuyết Vân

Posted in Tuyet Van | Tagged | Leave a comment

Tôi Học Chụp Hình

(Hình: Jung Yeon-Je/AFP via Getty Images)

Về hưu xong, tôi bắt đầu tìm kiếm những lớp học cho người cao niên của các hội đồng hương để khỏi bỏ phí thời gian.  

Với hai năm đại dịch không một trường lớp nào dám mở. Các cửa tiệm còn đóng cửa nói chi lớp dạy cho người lớn. Một lần, cô bạn đưa cho tôi cái website của một trường dạy chụp hình online có tên là PSCVN, tôi mừng qua, vội vào để ghi tên học.

Cách đây mấy năm, tôi có đọc trên Người Việt một bài viết về hội này. Lâu dần, tôi không còn nhớ tên thì nay lại được bạn giới thiệu tới. Thôi thì, cũng gọi là châu về hợp phố, tôi ghi danh học ngay

Khi nghe tôi tính học chụp hình, cả chồng và em trai đều nói, chụp hình thì có gì đâu mà học, cứ nhìn rồi bấm là xong ngay đó mà.  

Tôi nghĩ thầm, nếu cứ nhìn rồi bấm thì làm gì có các trường lớp và các hội nhiếp ảnh hoạt động bao nhiêu năm nay. Thế giới tự do, ai muốn nói gì thì nói. Tôi đi học chụp hình.

Sự thật thì chụp hình rất là phiền toái bởi chụp hình bắt đầu bằng cái máy, máy chụp hình. Mà đã gọi là máy thì có cái nào đơn giản đâu.

Trước hết, tôi phân vân tính toán hết hai tuần mới quyết định mua cho mình cái máy hình tương đối với túi tiền và cũng dễ cầm để chụp vì nó phải không nặng lắm.

Sau đó, lại thêm hai tuần nữa để học cách xử dụng máy. Nhiều lần tập chụp nhưng quên lấy cái nắp ống kính ra rồi lại phải hốt hoảng không biết vì sao máy của mình nhìn lại đen thui như thế này.

Học chụp hình không phải chỉ học về xử dụng máy và cách chụp mà còn phải học Photoshop tức là phần software để chỉnh sửa hình. Cái hiệu ứng của Photoshop để làm cho tấm hình hoàn mỹ lên thì thật là không tưởng tượng được. Ngày nay, nếu thấy một tấm hình đẹp đôi khi mình cũng nghe người ta nói, Photoshop đó mà, là do vậy.

Thực sự, tôi cũng có chút phân vân, vậy thì một tấm hình đẹp nằm ở chỗ nào nếu cứ phải dùng dao kéo để chỉnh sửa. Và tôi cảm thấy nghi ngờ đến những tấm hình lâu nay tôi vẫn thưởng ngoạn, trầm trồ. Nhưng thôi, đó là chuyện của người ta. Chuyện của mình là lo đi học chụp hình trước đã.

Lớp dạy online mỗi tuần hai buổi. Một buổi dạy về Photoshop và buổi kia dạy về chụp hình hay phê bình hình từ các bạn học gửi vào. Những bài giảng được video rồi đưa lên Youtube nên chúng tôi vẫn có thể nghe lại được để hiểu thêm. Thật là vô cùng thuận tiện.

Buổi phê bình hình lúc nào cũng hào hứng. Nghe phê bình từ các huấn giảng viên giúp mình có thể nhận định được tấm hình hay dở như thế nào và từ đó lại giúp mình biết cách chụp sau này. Vừa rồi, với tấm hình của tôi đưa lên, anh huấn giảng viên chỉ cách crop hình lại và tấm hình tôi chụp nhìn thấy khá hơn nhiều. Thật đúng là, không thầy đó mày làm nên, người xưa đã nói rồi.

Chụp hình có nhiều thể loại khác nhau. Có người thích chụp về hoa, về wildlife, có người thích chụp về phong cảnh thiên nhiên hay chân dung, hay đời sống đường phố. Tôi vốn dĩ thích đi hiking nên có khuynh hướng chụp về thiên nhiên nhiều hơn. Mỗi thể loại có thể đòi hỏi máy hình và ống kính khác nhau.

Trên facebook của trường, đa số post lên những hình chụp về chim hay hoa. Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao người ta lại thích chụp hình chim như vậy. Đó là một công việc đòi hỏi thời gian và tiền bạc, và có lẽ, đôi khi sự lẽ loi nữa.    

Nhiều khi tôi bấm ‘like’ vào các tấm hình chim vì nghĩ đến cái công của người chụp nhiều hơn là vì thưởng thức tấm hình. Nhưng rồi dần dà những tấm hình này bắt mắt tôi nhất là những tấm hình có ghi chú tên chim và nơi chốn đã chụp.

Nhiều nhiếp ảnh gia chịu khó chia xẻ thêm chi tiết sinh hoạt của các loài chim như khi chúng bắt cá, cho chim con ăn, hay phong cách gạ gẫm bạn tình của chúng. Người ta nói, a picture is worth a thousand words, một tấm hình diễn tả được cả nghìn chữ. Với những tấm hình có ghi chi tiết, tôi cho rằng chúng còn trên hơn nhiều thế nữa.

Lần đầu tiên tôi nhận thấy sức mạnh của một tấm hình bởi chúng có thể đưa ra thông điệp đi vào lòng người thưởng ngoạn. Nhiều danh lam thắng cảnh chúng ta biết được hôm nay là cũng nhờ các nhiếp ảnh gía đã bỏ công đi săn ảnh và chụp đưa lên. Làm sao nhìn được cuộc sống ở một vùng xa xôi nào đó nếu không có những tấm hình của đường phố. Và những con chim dễ thương ở Bolsa Chica, tôi chưa bao giờ biết sự hiện diện của chúng nếu không có những tấm hình trên Facebook của hội PSCVN. Những nhiếp ảnh gia đã cho chúng ta thấy qua góc nhìn nghệ thuật nhưng cũng rất hiện thực.

Nếu khi mới ghi danh tôi chưa dám chắc mình sẽ theo đuổi học chụp hình đến bao lâu thì nay tôi đã quyết định học lâu dài hơn. Học Photoshop không có dễ nhưng mình cứ từ từ học rồi cũng sẽ đạt được như những người đã học qua trước. Đi field trip chụp hình khá tốn thì giờ nhưng được cái mỗi lần đi như vậy thì rất vui. Nếu bạn cảm thấy đây là một hobby mình yêu thích thì việc tốt nhất là hãy thực hiện nó bằng cách ghi danh ở một lớp chụp hình nào đó.

Tuyết Vân

Posted in Tuyet Van | Tagged , | 1 Comment