Valentine Buồn

Tranh Khánh Tường, Người Việt

Một năm đại dịch, đã có bao gia đình phải đưa tiễn người thân ra đi. Biết bao nhiêu là nhung nhớ trong mùa Valentine nầy.


Có nhành hoa hồng đỏ

Nằm lặng yên trên bàn

Có một người đứng ngó

Đôi mắt đượm ưu phiền

Nhành hoa không người nhận

Người đã thành cố nhân

Âm dương miền cách trở

Còn ai để tri âm

Có tóc rơi vài sợi

Sợi dài những yêu thương

Kẹp xưa xin cất lại

Tìm nhau một chút hương

Có thỏi son màu đỏ

Đôi môi nào điểm tô

Mắt xưa giờ khép kín

Mi cong những ơ hờ

Ngón tay nào đeo nhẫn

Bàn tay nào nắm nhau

Đưa người về miên viễn

Một mình với mai sau

Có nhành hoa đã héo

Cánh rơi rụng trên bàn

Tiếng đàn rơi ảo não

Ơi buồn Valentine!



Tuyết Vân

Posted in Tuyet Van | Leave a comment

Tháng Giêng Ăn Tết Ở Nhà


Chiếc xích lô Việt Nam trong “Hội Tết Sinh Viên 2020” được nhiều người yêu thích lên ngồi để chụp hình kỷ niệm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dân gian ta có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nói lên đời sống người dân trong nông nghiệp khi các vụ mùa đã xong, năm đã hết, gia đình chuẩn bị ăn Tết, hưởng thụ những ngày nghỉ ngơi nhàn nhã của tháng Giêng.

Cái vui tháng Giêng ở quê nhà ngày xưa đem qua Mỹ, từ khi những năm đầu cho đến nay, rộn ràng không kém. Mỗi năm Tết lớn hơn, vui hơn, chợ hoa đẹp hơn, diễn hành dài hơn, và Tết dần dà được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau. Nhưng năm nay, với đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lên cao, người Việt mình đành phải ca bài “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà” một mình vậy.

Ăn Tết ở nhà, nên hôm nay xin được nhắc lại chuyện ăn Tết của năm trước khi cái tên Covid-19 chưa hề bước vào cuộc đời của chúng ta.

Bánh Mứt: Thường thì chừng một tháng trước Tết, các siêu thị đã trưng bày nhiều bánh mứt. Ở Bolsa, có mấy tiệm làm bánh đã nổi tiếng từ trước năm 54. Cũng có nhiều bánh mứt được đưa vào từ Việt Nam. Hột dưa đỏ, mứt sen vàng, mứt bí trắng, mứt gừng cay, mứt dừa, thèo lèo, mè xửng, và dĩ nhiên không quên đến bánh Tét, bánh Chưng, bánh Tổ, bày biện đầy ra và đủ màu sắc. Các hộp bánh cookie bằng thiết cũng có nhiều kiểu khác nhau mà hộp nào cũng bắt mắt.

Ngày xưa, thời mà bánh trái không có nhiều như bây giờ, Má tôi rất thích mua những hộp bánh này để biếu Tết. Hoặc nếu có bà con nào biếu lại, sau khi ăn hết bánh, bà thường giữ những chiếc hộp này để cất những món đồ lặt vặt.

Năm nay siêu thị thấy có trưng bày đồ Tết đó nhưng không được rầm rộ cho lắm. Người đi chợ chỉ lướt qua nhìn. Đâu có đi thăm Tết nhà ai để mua mà biếu tặng. Tháng Giêng về nhưng Tết không đến. Buồn quá. Đi chợ, thỉnh thoảng nghe bà con nhắc như vậy.

Những năm trước, cứ khoảng hăm lăm Tết, Má sai hai chị em đi biếu đồ Tết cho bà con. Nhiều gia đình dặn sang năm đừng cho nữa, đường xá xa xôi, gọi thăm là được rồi, nhưng Má tôi vẫn muốn giữ lại những phong tục cổ truyền ngày trước.

Chợ Hoa: Trong chừng ba tuần lễ trước Tết, những lều chợ hoa như chợ hoa khu Ngọc Quang, hay khu Seafood Paradise, và dĩ nhiên chợ hoa Phước Lộc Thọ đã bắt đầu trưng bày những chậu hoa đẹp nhất để chào khách.

Chợ hoa Phước Lộc Thọ còn bán nhiều đồ Tết khác nhau, như bánh mứt, đồ cúng Tết, hay quần áo mặc Tết. Nhiều nhất là hoa Cúc đại đóa vàng, hoa Mai, hoa Đào, hoa Lan, cây Cấm Quách. Tôi thích nhất là cây hoa Thiết Mộc Lan. Cây vào mùa này không còn lá, khẳng khiu với nét khúc gãy rất nghệ thuật tô điểm bởi những cánh hoa Mộc Lan màu hồng nhạt.

Năm nào cũng vậy, còn chừng một tuần trước Tết, tôi đi lựa mua 8 chậu cúc đại đóa để chưng Tết cho các vị tiền bối ở nghĩa trang vườn bông Hồng. Mình ăn Tết thì các vị cũng ăn Tết mới vui.

Thi Tết: Khoảng chừng hai cái weekend trước Tết là có cuộc thi mặc áo dài truyền thống, thi nấu bánh Tét và bày Mâm Ngũ Quả ở Phước Lộc Thọ.

Nhiều em còn trẻ nhưng đã nấu bánh Tét rành điệu ra phết. Thi áo dài truyền thống lúc nào cũng được khách dự thăm hâm mộ. Nhiều gia đình có cha hay có mẹ là người Mỹ cũng dắt con tới dự thi. Những chiếc áo dài bằng hàng gấm hay lụa với những hoa văn thêu thùa trên hai vạt áo, chiếc khăn đóng tròn làm tăng thêm nét đẹp duyên dáng và quý phái của y phục cổ truyền.

Người tới thăm dự đứng ngồi đông đúc ở hai tầng lầu nghe kết quả. Tết năm nay, hai cuộc thi này sẽ không diễn ra trên sân khấu của Phước Lộc Thọ. Tháng Giêng, đành phải chỉ ăn Tết ở nhà thôi.

Đi Chùa: Tôi không được tiếp cận với những tôn giáo khác nên không rành lắm, riêng với các chùa Phật Giáo thì đêm ba mươi hay sáng mồng Một là những giây phút cúng bái rất trọng thể và thiêng liêng.

Nhiều chùa ở đây có chương trình văn nghệ đón Giao Thừa. Gia đình dẫn con cháu đi chùa để chúng biết đến phong tục của người Việt ta. Khói nhang nghi ngút. Tiếng pháo đốt nổ bùng vào giờ phút giữa cũ và mới khi trời đất như là một. Ngay cả khi chỉ ở nhà coi đón giao thừa trên TV tôi cũng cảm nhận được sự thiêng liêng trong khoảnh khắc đó.

Ngày xưa ở quê nhà, cứ sáng mồng Một tết, Má tôi dắt tôi đi cúng ở chùa Ông, xong đi cúng bên chùa Phật. Đó là những cái Tết cách đây có hơn 50 năm. Nhớ đến những cái Tết cũ mà lòng cảm thấy bùi ngùi như Bà Huyện Thanh Quang đã viết, “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Lối xưa không biết có còn ở đó nữa không.

Tết Parade: Nói tới Tết ở đây là phải nói tới Tết Parade, Tết diễn hành trên đường phố Bolsa. Bánh trái có thể ít, hoa quả có thể ít nhưng Tết diễn hành thì nhất định không. Mỗi năm Tết Parade lớn hơn. Nhiều hội đoàn trong cộng đồng tham dự đã đành mà còn có nhiều hội đoàn của các cộng đồng bạn cùng tham gia diễn hành ở đây. Đặc biệt, nhiều viên chức cao cấp trong chính quyền cũng tham dự và đi chúc mừng Tết với đồng bào đang đứng coi diễn hành hai bên đường.

Các đoàn xe đua nhau trang trí để xe của mình được bắt mắt dành được sự chú ý của người thưởng ngoạn. Nhiều đài TV đóng dọc theo Bosa tường trình về Tết diễn hành. Thật là một quang cảnh như người xưa đã có câu, vui như Tết.

Tết diễn hành là một sinh hoạt không những để phục vụ người Việt mình cùng ăn Tết hứng khởi với nhau nhưng cũng là để thể hiện sức mạnh cộng đồng, một cộng đồng mới và phát triển nhanh trong mấy mươi năm nay.

Năm nay, với Covid-19 đang tiếp tục lên cao, Tết Parade phải tạm dừng. Mọi hoạt động đều phải tạm dừng để sang năm chúng ta có thể cùng nhau ăn một cái Tết lớn hơn.

Hội Chợ Tết: Hội chợ Tết khai mạc sau khi diễn hành chấm dứt. Có hai hội chợ, một của công động và một của Tổng Hội Sinh Viên đều diễn ra trong ba ngày. Cá nhân tôi, tôi ưu ái cho hội chợ của Tổng Hội Sinh Viên. Đây là hội chợ đầu tiên trong cộng đồng mình.

Đa số các sinh viên từ trường đại học cộng đồng Golden West, Long Beach và một ít trường khác đã thành lập hội chợ này và cuộc thi hoạ hậu áo dài từ những năm đầu tiên mới đến Hoa Kỳ. Sinh viên là tiếng nói của người trẻ đẩy sự cởi mở, nhiệt huyết, và lý tưởng. Những sinh viên trong thời gian đó cũng khoảng trang lứa với tôi. Một ít người vẫn còn hoạt động, một ít trao lại ngọn đuốc cho thế hệ sau.

Hội chợ Tết sinh viên bây giờ tổ chức ở OC Fair, có khuông viên rộng rãi, nhiều gian hàng khác nhau và nhiều chương trình thi thố tài năng như Hoa Khôi Liên Trường, Đại Nhạc Hội,  Thi Ăn Hột Vịt Lộn, Thi Ăn Dưa Hấu, Thi Trẻ Em Mặc Quốc Phục Đẹp…

Thường thì có một ngày vé sẽ được miễn phí cho khách viếng thăm khi mặc các quốc phục truyền thống Việt Nam, đồng phục Hướng Đạo, hoặc đồng phục Quân Đội. Thôi, đành phải hẹn lại Tết năm sau vậy, các bạn sinh viên nhé.

Để có một cái Tết lớn là công sức và lòng thiện nguyện của nhiều đoàn thể và cá nhân. Hàng năm, mình chỉ biết ngồi thưởng thức Tết và phê bình uu khuyết điểm. Năm nay, ăn Tết ở nhà, nhớ lại những sinh hoạt Tết năm ngoái, lòng nhận thấy được cái công lao to lớn của những người tổ chức. Nhớ Tết, nhớ cái nắng, cái mệt đi chơi Tết. Nhiều năm còn bảo với nhau, thôi, ở nhà ăn Tết trên TV thấy khoẻ hơn. Vậy mà bây giờ lại nhớ những cái mà đôi khi mình than thở.

Đại dịch rồi sẽ qua. Sang năm, chúng ta nhất định cùng nhau ăn Tết lớn.

Tuyết Vân

Posted in Tuyet Van | Tagged , | Leave a comment

Giã Từ 2020

Và cuối cùng những ngày cuối của tháng Mười Hai cũng đã tới, kết thúc cho năm 2020, một năm cực kỳ khủng hoảng, xót xa và nước mắt.

Vào những ngày đầu tháng Ba, trong khi nhìn thấy cơn đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành trên các nước khác, sự tàn phá của nó bắt đầu lan rộng tới đây. Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố quốc gia đang ở vào tình trạng khẩn cấp (National Emergency). Những ngày tiếp theo đó Tổng Thống, Thống Đốc tiểu bang hàng ngày báo cáo cho dân chúng về tình trạng hiện tại, kế hoạch và những chỉ thị ban hành để giúp dịch bệnh khỏi lan ra cùng một lúc quá nhiều. Cuối cùng, vào tuần lễ thứ ba của tháng Ba, lệnh “shelter in place” hay “safer at home” (yên vị tại gia) được thi hành. Chỉ trong một tuần, số người bị nhiễm bệnh nhảy vọt cao. New York, New Jersy lockdown. Cả thế giới đang chống chọi một cuộc chiến không cầm tới vũ khí. Và nước Mỹ trở nên gần như bất động.

Tháng Ba, hoc khu trường học đóng cửa đến mùa hè. Con trai tôi trở về nhà học online. Disneyland, Malls, rạp xi nê đóng cửa. Las Vegas tắt ánh điện màu. Broadway khép tấm màn nhung. Lịch trình ca nhạc huỷ bỏ. Tháng Ba, mùa của March Madness, những trận bóng rổ của các trường đại học ngừng hẳn. Baseball, môn thể thao ái mộ, chuẩn bị vào vào mùa mới của năm 2020 cũng đình hoãn. Những công ty du lịch, du thuyền hoàn tiền trả cho khách. Cuộc tranh biện của đảng Dân Chủ giữa hai ông Joe Biden và ông Bernie Sanders diễn ra không khán giả. Công viên, bãi biển giới hạn người tới. Olympic đổi qua năm 2021. Thị trường chứng khoáng rớt ngàn mấy, hai ngàn điểm trong một ngày. Tôi nhắm mắt không dám nhìn vào trương mục của mình. Nhân viên nhiều hãng chuyển qua làm việc ở nhà, phần khác phải bị layoff. Theo lệnh của Thống Đốc tiểu bang, những công việc quan trọng (essential) như thực phẩm, thuốc tẩy, canh xăng, hay những công việc sửa chữa tiếp tục hoạt động, còn lại tất cả sẽ phải tạm hoãn.

Tháng Ba, hàng loạt cửa tiệm khác nhau, nail salon, gym, tiệm may, tiệm giặt ủi, tất cả phải đóng của. Hàng loạt nhân viên đang có công ăn việc làm phải thất nghiệp. Văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư, bệnh xá (clinics) đóng của. Bệnh viện chỉ điều trị những ca mổ cần thiết, những ca mổ khác nếu có thể dời (elective surgery) sẽ phải dời ngày. Trong tuần lễ đầu tiên, có hơn 3 triệu người điền đơn thất nghiệp. Từng hàng xe dài nối đuôi nhau trong các sân vận động lớn chờ nhận thực phẩm cứu trợ. Ở những nơi khác, từng hàng xe dài của các hãng cho thuê xe nằm yên không khách tới. Và phi trường bận rộn nhất nhì của thế giới, giờ đây cũng im lìm không có tiếng phi cơ cất bay. Tất cả gần như tê bại.

Dịch bệnh phát triển mạnh ở các viện dưỡng lão nơi nhiều người già đã chết cô đơn không người thân vào gặp mặt. Tang lễ vội vàng trong sợ hãi. Nhiều bác sĩ đã phải đối diện với sự lựa chọn bệnh nhân nào nên được chữa trị trước. Nhiều sản phụ vì nhiễm dịch bệnh đã phải mổ sớm sinh con để được đưa đi cách ly chữa trị . Nhiều bác sĩ, y tá đã không dám về nhà sau một ca làm việc bởi sợ phải lây cho gia đình. Họ phải tắm rửa, thay đổi quần áo trước khi bước vào nhà. Nhiều người đã về hưu nhưng họ tình nguyện trở lại làm việc, chung tay nhau đương đầu với con đại dịch. Họ là những thiên thần áo xanh.

Học sinh Trung Học lớp Mười Hai, một năm học quan trọng trong đời học sinh và là một năm đầy sinh động, đã chẳng có thể ký tên vào cuốn Year Book, dự trận thể thao cuối cùng, đi promp, và nhất là làm lễ ra trường với tất cả những nghi thức trang trọng. Tuổi trẻ của họ đã mất đi phần nào. Họ chia tay trường lớp, thầy cô, và bạn bè vội vàng vào vào một ngày của nửa tháng Ba. Chưa kịp bày tỏ tình cảm cho riêng ai hay một cái bắt tay hay một lời hứa hẹn thì đại dịch đã cuốn hút đi thời gian trong trắng ấy.

Giã từ 2020. Những tiểu thương bắt buộc phải đóng cửa, sa thải nhân viên. Khi lock down ở nửa tháng Ba, thắng Tư đầu tiên không biết làm sao trả tiền thuê cho tháng mới. Một năm chưa bước vào rạp xi nê. Gym, nhà hàng hoạt động ngoài trời dưới những tấm dù EZ Up. Tại các siêu thị, người ta xếp hàng dài để mua giấy vệ sinh, dùng mask và giữ khoảng cách 6 feet cách nhau. Con cái ở xa nghe cha mẹ đau không thể về thăm. Tang lễ giới hạn người tới dự.

Giã từ 2020. Mỗi một ngày lễ là một cơn nhức đầu với số lượng người nhiễm bệnh lại tăng cao sau đó. Mỗi tháng con số trên bảng thông kê cao hơn tháng trước với bao nhiêu người mới nhiễm bệnh, bao nhiêu người chết, và số phần trăm người nằm bệnh ở ICU. Mỗi con số là một cuộc đời của ai đó và những người xung quanh họ. Mùa lễ Tạ Ơn, trong nhiều gia đình đã phải vắng đi người thân và chiếc ghế trống ngồi thương nhớ người đã mất. Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.

Giã từ 2020. Năm bầu cử Tổng Thống với tất cả sự háo hức của hai phe và số phiếu đi bầu vào kỷ lục. Bên ta. Bên mình. Và những comments từ độc giả qua lại nóng bỏng đôi lúc đến thô lỗ trên báo chí truyền thống. Nhiều gia đình cha mẹ và con cái hay anh em đã phải đi tới chỗ xích mích chỉ vì không đồng ý rằng chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với nhau. Một cuộc bầu cử mà ai cũng phải theo dõi hết một tuần mới biết người thắng cuộc. Và trong lúc đó, Covid-19 vẫn cứ lên cao. Một mùa đông nguy hiểm đang đi tới.

Giã từ 2020. Xin gửi lòng tri ân đến các khoa học gia đã ngày đêm tâm huyết để tìm ra được vaccine. Tri ân đến các cơ quan của chính phủ và tư nhân tiếp tục làm việc phân phối lượng vaccine khổng lồ này ra các tiểu bang, quận hạt, và các thành phố xa xôi. Người ta nói đây là một đặc vụ của thế kỷ, một mission of a century. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa đã tình nguyện đưa cánh tay lên để thử vaccine cho nên hôm nay chúng ta có thể dùng đến với một cấp số an toàn cao nhất.

Giã từ 2020. Năm phải đưa người mẹ thân yêu về cõi vĩnh hằng. Đã được 95 năm có mẹ nên không dám đòi hỏi gì hơn. Chỉ một niềm tri ân đến người và Thượng Đế.

Giã từ 2020. Tôi xin nhìn về phía trước cho một năm mới và một hy vọng mới, rằng đời sống sẽ trở lại bình thường và gia đình được đoàn tụ trong các mùa lễ hội.

Cầu xin ơn trên xoa dịu những linh hồn đã phải chết cô đơn vì đại dịch. Tôi giữ lại những trái tim của lòng nhân ái bởi đó sẽ là những bước chân vững chãi cho hành trình còn lại.

Posted in Tuyet Van | Tagged , , | Leave a comment

Tôi Về Hưu

Tôi về hưu vội vàng, không kèn trống, không diễn văn, và cũng không có một bữa tiệc nhỏ để vinh danh mình. Với trận đại dịch làm nền kinh tế tê bại, thiếu hụt ngân sách, hãng tôi làm đề nghị nhân viên về hưu sớm sẽ thưởng một số tiền gọi là đền bù. Tôi cũng đã tính về hưu nay mai nên sẵn lấy cơ hội này thì về luôn.

Từ nửa tháng Ba đến bây giờ tôi vẫn làm việc ở nhà. Ngày đến, tôi đem laptop, điện thoại và tấm badge vào hãng trả. Hãng còn chỉ vài người trực tại văn phòng. Gặp nhau, giơ nắm tay cao và cười chào qua tấm mask. Đồng nghiệp đãi cà phê Starbuck, bánh bagel, chụp cho vài tấm hình, rồi thì ra về. Về hưu trong mùa đại dịch thê thảm như người bại trận.

Tôi còn nhớ có lần tôi hỏi một người bạn, khi cô ấy về hưu, là đã làm việc gì trong ngày đầu tiên của hưu trí. Cô nói, ngủ, ngủ nhiều lắm. Riêng với tôi, chỉ thơ thơ thẩn thẩn bởi tôi không biết làm gì cả. Cuối cùng, tôi ngồi xuống đọc Yahoo News, xong, qua coi tin tức trên các đài truyền hình. Đổi từ đài này qua đài khác mà vẫn chưa hết được buổi sáng. Ai nói thời giờ là vàng bạc, chứ chỉ mới ngày đầu tiên về hưu, tôi đã thấy thời giờ nó rẻ như bèo.

Những khi còn đi làm tôi sợ nhất là phải thức giấc vào lúc hai, ba giờ sáng mà không làm sao dỗ lại giấc ngủ được. Đếm cừu, hít thở, coi TV, trằn trọc miết mới ngủ lại được. Thường những lúc như vậy, lại phải dậy đi làm trễ. Về hưu, nếu có thức nửa đêm thì cứ thức nửa đêm rồi đến sáu, bảy giờ sáng lại ngủ tiếp. Giờ giấc chỉ là 12 con số.

Sau vài ngày thơ thơ thẩn thẩn như vậy, tôi bắt đầu lên chương trình làm việc hàng ngày cho đàng hoàng. Đã có tuổi rồi, à không, đã về hưu rồi, không thể sống như một gã hippie hay một cô bé lọ lem được. Cái chương trình dài nguyên một trang giấy chia ra làm ba phần sáng, trưa chiều không kéo dài quá hơn tuần lễ. Đang ngồi làm massage cho khuôn mặt thì nghe tin bầu cử om om trên truyền hình nên tôi bỏ ra nghe tin. Tin tức lúc này rất nóng bỏng, nó nóng bỏng hơn khuôn mặt của tôi nhiều. Và cứ những trường hợp tương tự như vậy tôi đã không làm sao giữ được cái thời khoá biểu muốn ấn định.

Bạn tôi bảo, về hưu rồi, muốn làm gì thì làm, cần chi tới thời khoá biểu. Mấy mươi năm làm việc theo khuôn khổ, bây giờ cứ làm việc theo cảm tính. Vậy chứ, cuối cùng cô cũng nói, miễn sao ít nhất một ngày cũng phải hoàn thành một công việc, bất cứ là việc gì. Tôi cảm thấy như cô vừa mở cho tôi một cánh cửa. Tôi liền hỏi, vậy chứ tuần vừa qua đã làm được những gì. Không nhiều, cô trả lời, từ thứ Hai đến thứ Sáu không có làm gì hết, còn thứ Bảy và Chủ Nhật thì nghỉ giải lao. Nói xong, cô cười rồi cúp máy điện thoại luôn.

Vậy là mỗi ngày tôi có gắng thu xếp để làm xong một hai công việc. Có khi đó chỉ là đem xe đi rửa, hoặc hút bụi căn phòng, hoặc sắp xếp lại các tấm hình đã chụp từ bao năm nay. Công việc nào cũng tốn thời gian. Người Mỹ có câu, Things Take Time, thật là đúng, đặc biệt nếu đó là một việc làm cẩn thận. Mỗi ngày, tôi cố gắng làm xong một việc. Không chọn lựa. Tự nó đến, nếu cần, nếu tiện thì làm thôi. Vậy mà cũng hết ngày. Ngày nào cũng có việc bận bịu. Tôi cứ nói với chị tôi, may mà về hưu rồi.

Về hưu thời đại dịch như con cá bơi trong cái chậu nhỏ. Không đi đâu được hết. Muốn đi lên thăm con trai cũng không dám. Mùa lễ Tạ Ơn, chúng tôi nhà nào ở nhà nấy, tiệc ai nấy ăn. Và chắc chắc Noel hay Tết Tây cũng vậy thôi. Cuối tuần tôi thường đi hiking nhưng đi riết rồi cũng chán. Đi một hồi thấy cái trail nào cũng giống nhau, và biển nào cũng trời xanh mây trắng cả.

Cả một năm rồi tôi chưa bước vào rạp xi nê. Rạp có mở đâu mà bước. Broadway ở South Coast đóng cửa. Thuý Nga chờ ra show. Người Nam Cali thường đi Las Vegas vào cuối tháng Năm hoặc những dịp lễ cuối năm. Lâu nay chưa nghe bà con nào trở lại đó. Xa lộ rộng thênh thang nhưng thống đốc Cali đã căn dặn đến gần như năn nỉ, hunker down, nằm im tại chỗ.

Chị tôi khuyên nên kiếm một lớp nào của cộng đồng để học cho vui. Ý kiến rất hay vì mấy năm nay cộng đồng mình có mở nhiều lớp miễn phí không phải chỉ riêng vào ngày cuối tuần mà còn trong tuần nữa. Khi tôi gọi vào để tham vấn thì trường nào cũng đóng cửa cả. Có người còn hỏi lại, bộ chị không sợ dịch hả. Hỏi xong, căn dặn tôi sang năm sau trở lại để học.

Thật ra, thì công việc ở nhà có rất nhiều. Tôi nhận ra rằng, nếu có sở hữu thì có công việc. Chỉ cái việc sắp xếp lại các tấm hình theo thời gian, theo nơi chốn là một vấn để rồi. Email chưa kịp đọc chừng hai ngày là đã thấy ra một đống. Sáng nay nấu chay thì phải lo thu dọn những rau cũ quả thải ra để đem làm compost. Việc không bao giờ hết ngay cả cho người về hưu. Nhưng không sao. Đã mấy mươi năm làm việc theo khuôn khổ của người khác rồi, bây giờ tôi sẽ làm theo thời giờ của tôi. Không có gì phải vội vàng.Về hưu, thời giờ rất thong thả.

Người về hưu mặc dù chỉ có một ngày Chủ Nhật nhưng họ có đến sáu ngày thứ Bảy.

Posted in Tuyet Van | Tagged , | 1 Comment